Chi hàng trăm triệu đồng nuôi vẹt

09/05/2022 07:43
Hà NộiĐể chiều bốn chú vẹt, chị Nguyễn Diệu Linh đầu tư hàng chục triệu tiền lồng nhốt, thuê chung cư rộng 200 m2 để có không gian cho chúng.

Hà NộiĐể chiều bốn chú vẹt, chị Nguyễn Diệu Linh đầu tư hàng chục triệu tiền lồng nhốt, thuê chung cư rộng 200 m2 để có không gian cho chúng.

Chị Linh, 36 tuổi, vốn là người yêu động vật nhưng 5 năm trước, khi con trai mới sinh bị hen phế quản, chị phải gửi toàn bộ số chó mèo đang nuôi sang nhà bố mẹ.

Năm 2021, khi bé được 5 tuổi, người mẹ nung nấu ý định nuôi lại thú cưng trong nhà để con phát triển tình yêu thương, cũng như có thú chơi trong mùa dịch. Chị Linh tình cờ nghĩ đến nuôi vẹt vì loài này thông minh, có thể giao tiếp được với con người mà không ảnh hưởng đến bệnh hen của con.

Ban đầu, chị hơi lưỡng lự vì chưa có kinh nghiệm, bạn bè xung quanh cũng không ai nuôi. Sau khi tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, chị ngạc nhiên vì có trên 20 nhóm nuôi vẹt ở Việt Nam, mỗi nhóm ít nhất 10 nghìn người. "Xem hoạt động nuôi vẹt của mọi người thấy thú vị, khi vẹt nói, hát cũng tạo không khí vui tươi trong nhà nên quyết định nuôi thử", chị Linh chia sẻ.

Chi hàng trăm triệu đồng nuôi vẹt

Chị Linh đang chơi đùa cùng chú vẹt giống Malucan Cockatoo được đặt tên là Ngọc Trinh, tháng 4/2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

Tháng 7 năm ngoái, Linh mua con vẹt xám châu Phi đầu tiên với giá 25 triệu đồng. Người phụ nữ 36 tuổi cho biết, chọn giống này vì khả năng nói tốt, có thể phân biệt và bắt chước nhanh tiếng người, tiếng của các loài động vật khác, tiếng chuông điện thoại, tiếng đàn... phù hợp với người mới chơi.

Nuôi chưa đầy một tháng, chị phát hiện vẹt xám châu Phi có đặc tính chỉ quen với một chủ. "Vẹt mua cho con chơi nhưng nó chỉ quấn lấy chồng, người khác lại gần thì mổ", chị Linh giải thích. Đó cũng là lý do chị mua thêm con thứ hai, giống Malucan Cockatoo với giá 53 triệu đồng. Giống vẹt này thân thiện với con người, có lần đi du lịch chị Linh cũng mang đi cùng.

Sau hơn hai tháng, do chị chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chú Malucan Cockatoo bị chết. Vì có cảm tình với giống vẹt này, chị quyết tâm mua lại con khác qua người chủ ở Cần Thơ với giá 18 triệu đồng.

Tích cực tham gia vào các cộng đồng yêu vẹt trên mạng xã hội, ngày càng biết thêm nhiều giống vẹt và bị thu hút bởi ngoại hình của chúng, chị Linh quyết mua thêm hai con nữa là Galah Cockatoo giá 70 triệu đồng và Amazon Naped giá 80 triệu đồng. "Nhiều khi thấy mình cũng điên rồ nhưng thấy chú vẹt quá đẹp, tôi vẫn quyết định chơi", chị nói.

Bốn chú vẹt được chị đặt tên dựa theo đặc điểm là Ngáo (giống xám châu Phi), Ngọc Trinh (giống Malucan Cockatoo), Đen Vâu (giống Galah Cockatoo) và Binz (giống Amazon Naped). "Bé Ngáo học nói nhanh, Ngọc Trinh thì mê trai, hài hước, Đen Vâu hát chúc mừng sinh nhật rất hay, Binz biết nói tiếng Thái", chị Linh chia sẻ.

Chi hàng trăm triệu đồng nuôi vẹt

Bốn con vẹt hiện nay của gia đình chị Linh (từ trái sang) gồm: Ngáo, Ngọc Trinh, Binz và Đen Vâu. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bỏ ra một số tiền lớn để mua vẹt về nên chị cũng rất kỹ càng trong việc chọn lồng chim, mua đồ chơi cũng như chuẩn bị thức ăn cho chúng. Giá mỗi chiếc lồng của lũ vẹt tốn khoảng 7-10 triệu đồng. Tuy nhiên, loài chim được cho là có trí thông minh ngang với một đứa trẻ 5 tuổi này vẫn tìm được cách vặn ốc, tự mở cửa lồng thoát ra.

Chiều chuộng sở thích cắn phá đồ của vẹt, chị Linh mua thêm đồ chơi cứng cáp, dây xích để vẹt đậu cũng như một số đồ tiểu cảnh khác để tạo không gian thiên nhiên.

Làm kinh doanh tự do, tính chất công việc thường xuyên phải đi xa, không có thời gian chăm sóc, trong khi vẹt ở một mình nhốt lồng sẽ stress nên chị bỏ tiền thuê giúp việc theo giờ, chăm sóc, cho vẹt ăn cũng như dọn dẹp.

Tuy vậy, Linh cho biết, bản tính của vẹt thích tự do, nhốt vào lồng nhiều hoặc bí bách thì vẹt sẽ la hét, tự nhổ lông của mình. Đó cũng là lý do chị và chồng quyết định chuyển ra ngoại thành, thuê căn chung cư rộng 200 m2 để chúng có không gian chơi đùa. "Từ khi chuyển đến đây, tâm trạng của vẹt cải thiện hơn, nhìn ngắm chúng bay nhảy, nói suốt ngày khiến tôi cũng bớt căng thẳng công việc", chị Linh nói.

Trước kia, chị nuôi vẹt trong phòng khách, sáng mở lồng cho vẹt ra chơi, tối đến chị cho vẹt vào phòng riêng để ngủ nhưng chúng hay cắn phá đồ đạc. "Con Ngọc Trinh còn thường đến góc bếp ăn vụng, ghế sô pha mới mua cũng bị cào, mổ xước vài vết", bà chủ nhà nói và cho biết đã chuyển cả bốn con ra ban công để chúng có không gian riêng, cảm thấy được tự do hơn.

Chi hàng trăm triệu đồng nuôi vẹt

Con trai chị Linh đạp xe đưa vẹt đi chơi cùng, tháng 4/2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

Từ khi nuôi vẹt, mọi hoạt động của gia đình chị từ xem tivi, đi đạp xe, đi tập gym thậm chí là đi tắm đều không thể thiếu chúng. Bình thường mọi người ít nói chuyện, chia sẻ với nhau nhưng từ khi nuôi vẹt, cả nhà có chủ đề chung đề bàn tán, cảm thấy gắn kết hơn.

"Chơi vẹt tuy tốn kém nhưng nuôi được lâu. Tài sản thừa kế cho con tôi sau này là những chú vẹt đáng yêu này", chị Linh nói.

Thanh NgaTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Chi hàng trăm triệu đồng nuôi vẹt - Đời Sống