Theo Amusing Planet, vùng đất gần Stannard Rock nhất là đảo Manitou, cách ngọn hải đăng khoảng 40km về phía tây bắc. Đây có lẽ là lý do biến Stannard Rock trở thành ngọn hải đăng xa xôi nhất nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Bãi đá ngầm nơi ngọn hải đăng tọa lạc ngày nay do thuyền trưởng Charles C. Stannard phát hiện vào năm 1835. Stannard vô cùng kinh ngạc khi thấy một vật cản không xác định cách xa bờ giữa một vùng nước trong vắt. Bãi đá chỉ chìm khoảng 1,2 m dưới mặt nước, thuyền trưởng nhận ra hiểm họa từ ngọn núi vô hình này đối với tàu thuyền qua đây.
Khi giao thông hàng hải ở khu vực này trở nên tấp nập hơn thì nguy cơ tiềm ẩn của rạn san hô cũng ngày càng tăng. Cơ quan Hải đăng Mỹ cho rằng cần có đèn điều hướng cho khu vực này, song không chắc chắn liệu có công trình nào trụ nổi giữa hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nổi tiếng với những cơn bão dữ dội như Superior hay không.
Đến năm 1868, để thử nghiệm, đơn vị này đặt một phiến đá đường kính khoảng 3,6 m ở phần nông nhất của bãi đá ngầm, phía trên dựng một đèn hiệu ban ngày cao 6 m. Một vài năm sau, khi thấy công trình này vẫn có thể đứng vững sau những cơn bão và băng tuyết, các kỹ sư mới tự tin họ hoàn toàn có thể dựng một ngọn hải đăng trên bãi đá ngầm mà Charles C. Stannard phát hiện ra.
Phải mất tới năm năm đầy khó khăn và gian khổ các kỹ sư mới có thể hoàn thành việc xây dựng ngọn hải đăng này. Mỗi mùa xuân, họ trở lại bãi đá ngầm để khắc phục những gì mà cơn bão mùa đông năm ngoái đã phá hủy. Đôi khi, những công nhân than vãn rằng suốt năm năm, họ đã sửa nhiều hơn là xây. Vào mùa hè, công việc cũng thường xuyên bị đình trệ vì thời tiết xấu. Trong khoàng thời gian từ năm 1878 - 1879, đội thi công chỉ có thể làm việc 61% quỹ thời gian vì bão.
Tòa tháp cuối cùng đã được hoàn thiện và thắp sáng lần đầu tiên vào năm 1882. Nó cao 23,7 m, với 7 tầng, gồm bếp, các phòng ngủ, thư viện, phòng quan sát và kính viễn vọng... Tổng cộng 240.000 tấn sắt thép và đá được sử dụng, nhờ vậy ngọn hải đăng mới có thể tồn tại suốt hàng trăm năm qua.
Cuộc sống ở tiền đồn xa xôi này vô cùng cô đơn và khắc nghiệt. Những người canh giữ ngọn hải đăng Stannard Rock đa phần là các thanh niên độc thân không có vợ hay bạn gái nơi đất liền để giảm đi nỗi nhớ nhà. Nơi này xa xôi đến mức lính tuần duyên Mỹ ngày nay vẫn truyền tai nhau câu nói: "Nếu anh gây rắc rối đủ tệ, họ sẽ đày anh ra thẳng Stannard Rock".
Louis Wilks, người giữ ngọn hải đăng từ 1936 đến 1956, đã lập kỷ lục 99 ngày liên tiếp sống trên Stannard Rock. Đó là một kỳ tích chưa ai có thể vượt qua, bởi mỗi người chỉ được phép vào bờ một lần mỗi ba tuần.
Nỗi cô độc đến cùng cực là mà những người canh gác ngọn hải đăng này phải đối mặt. Hàng ngày họ chỉ luẩn quẩn trên tháp canh, không thấy đất liền và chỉ có lũ chim mòng biển kêu gào, bao quanh là sóng vỗ ầm ầm. Một người từng đe dọa sẽ tự bơi vào bờ, nếu không có thuyền đến đón ngay. Thậm chí có tin đồn một người đã phát điên và bị trói chân tay khi đưa đi.
Các cơn bão dữ dội tạo ra những cơn sóng cao đến 9 m đập vào tháp, đủ mạnh để đánh bật đồ khỏi kệ gỗ và bát đĩa rơi khỏi bàn. Nếu phải đi ra ngoài khi trời nổi gió lớn, những người gác đèn còn phải buộc mình bằng dây thừng để không bị thổi bay.
Mùa xuân đến, những người trông nom ngọn hải đăng lại phải dùng rìu lớn phá băng tuyết dày. Năm 1913, toàn bộ tòa tháp bị bao phủ trong lớp băng dày hơn 3,6 m. Một đội cứu hộ 12 người phải mất một tuần mới có thể giải cứu những người canh gác kẹt bên trong.
Tuy nhiên, thảm kịch thực sự xảy ra ở Stannard Rock là vào đêm 18/6/1961. Khoảng 21h30, hơn 3.700 lít xăng trữ cho máy phát điện nổ tung, khiến cả tháp rung chuyển. Vụ nổ đốt cháy buồng khí propane và hầm chứa than mạnh đến mức một phần đá vôi gần ngọn hải đăng bị tan chảy.
Một kỹ sư 35 tuổi thiệt mạng và ba người khác bị thương khi làm nhiệm vụ. Ba người đàn ông hy vọng sớm được giải cứu. Nhưng phải hai ngày sau, một chiếc thuyền tuần tra của canh sát biển đi qua mới nhận ra rằng đèn hiệu không hoạt động và không thể liên lạc qua vô tuyến với những người canh gác. Khi đến ngọn hải đăng, lực lượng tuần duyên phát hiện ba nạn nhân còn sống. Những người này đã phá cửa để trèo ra ban công lộng gió, lấy một tấm bạt cũ để che chắn.
Một năm sau, ngọn hải đăng được tự động hoá. Nơi này đóng cửa tham quan, do đó du khách chỉ có thể quan sát từ trên thuyền hoặc máy bay qua đây.