Dứa là trái cây phổ biến trong mùa hè, chứa nhiều vitamin A, B, C và các axit hữu cơ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, dứa cũng có nhiều axit gây hại men răng, nôn ói nếu ăn quá nhiều.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM, quả dứa chứa nhiều thành phần dinh dưỡng khác nhau gồm nước 75,7%, protein 0,68%, lipid 0,06%, glucid 18,4% (saccharose 12,43%, glucose 3,21%), chất chiết xuất 4,35%, cellulose 0,57%, tro 1,24%.
Ăn dứa giúp bạn giảm cân, nhuận tràng, lợi tiểu. Ảnh: PP
Ngoài ra, dứa còn chứa nhiều axit citric, axit malic và các vitamin A, B, C. Thành phần thịt quả dứa còn chứa nhiều iod, magie, mangan, kali, canxi, phốt pho, sắt, lưu huỳnh.
Bác sĩ Vũ cho biết nhiều công trình nghiên cứu khoa học hiện đại chỉ ra vitamin C và mangan nâng cao miễn dịch, duy trì quá trình trao đổi chất và chống oxy hóa, đẹp da. Nhóm vitamin B trong dứa giúp giảm căng thẳng, stress.
Thịt dứa chứa nhiều chất xơ giúp nhu động ruột, giảm táo bón. Dứa còn chứa nhiều chất kháng viêm, kháng phù, giảm đau nhức trong xương khớp.
Đông y quan niệm dứa có vị chua ngọt, tính bình. Dứa có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa; nước dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ. Lõi dứa thanh nhiệt giải độc, rễ dứa lợi tiểu, nhuận tràng.
Dứa được dùng để trị sốt cao, say nắng say nóng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, sỏi đường tiết niệu, giảm cân. Dứa làm giảm khả năng tích tụ mỡ, no lâu nên có thể giúp người ăn giảm béo. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều dứa.
Bác sĩ Vũ lưu ý, khi ăn dứa bắt buộc bỏ hết mắt dứa vì trong mắt dứa chứa nhiều nấm có thể gây ngộ độc.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm dứa có hàm lượng đường cao nên người bị đái tháo đường không nên ăn quá nhiều. Người có đường huyết cao chỉ nên ăn 2 - 3 lát dứa mỏng/ngày. Nếu bạn ăn quá nhiều dứa có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc ợ nóng.
Ăn nhiều dứa có thể hại men răng, gây sâu răng vì dứa có nhiều thành phần axit. Đặc biệt, nhiều người có thể cảm thấy rát hoặc khó chịu trong miệng, môi hoặc lưỡi sau khi uống nước dứa. Bác sĩ Vũ lý giải đây là tác dụng phụ do enzyme bromelain gây nên.
Lượng bromelain cực cao trong dứa cũng có thể gây phát ban da, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu kinh nguyệt quá nhiều.
Những người đang uống thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, làm loãng máu, chống co giật, benzodiazepin, trị mất ngủ và chống trầm cảm nên cẩn thận không ăn quá nhiều dứa.
Bạn không nên ăn dứa tươi vào lúc đói. Các axit hữu cơ của dứa và bromelain tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Tác dụng của xoài, ai không nên ăn
Xoài là loại quả có nhiều tác dụng với sức khỏe của con người như cải thiện hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hỗ trợ phát triển thị lực, ngăn ngừa ung thư.
Gỏi măng cụt xanh ngon miệng nhưng ai không nên ăn?
Nhiều người săn lùng mua măng cụt xanh đã gọt vỏ về làm gỏi cùng thịt gà. Măng cụt có giá trị dinh dưỡng ra sao, cần lưu ý gì khi sử dụng?
Những người không nên uống trà xanh
Trà xanh là thức uống được hàng triệu người Việt ưa thích, sử dụng mỗi ngày nhưng có chống chỉ định với một số trường hợp.
Bình luận