Triển lãm với chủ đề “Cổ vật hội tụ” được diễn ra từ ngày 22/6 đến ngày 21/7/2024 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh và một số nhà sưu tầm trong nước đã tổ chức tại điện Kiến Trung (Đại Nội Huế).
Tại lễ khai mạc triển lãm, một số tổ chức, cá nhân đã trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao giấy khen cho các cá nhân có công phát hiện và giao nộp, hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Với sự tham gia của 29 nhà sưu tập cổ vật trong nước, triển lãm giới thiệu 147 cổ vật quý được chế tác dưới thời Nguyễn, được sử dụng trong cung đình lẫn dân gian, do các tượng cục của triều đình chế tác, do các cơ sở sản xuất trong nước hoặc được mua từ nước ngoài thông qua hoạt động giao thương để sử dụng ở hoàng cung lẫn dân gian.
Theo Ban Tổ chức, triển lãm “Cổ vật hội tụ” là cơ hội để các cho các nhà sưu tập cổ vật trong nước có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sưu tầm cổ vật. "Triển lãm dịp này cũng tạo nên những trải nghiệm mới, thú vị cho người dân và du khách khi tham quan trong không gian di sản", ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.
Một số cổ vật quý được trưng bày tại cuộc triển lãm:
Súng thần công có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là khẩu thứ 256 trong 300 khẩu súng thần công được đúc thời Minh Mạng, mệnh danh là Vũ Công Tướng Quân. Súng thần công được các ngư dân phát hiện, trục vớt tại vùng biển Thuận An (TP Huế).
Thẻ bài và sưu tập Đại Nam Long Bội Tinh.
Hộp đựng sắc phong sơn son thếp vàng, chạm lộng đề tài "tứ linh" niên đại thế kỷ thứ XIX.
Hộp lục giác bên ngoài trang trí "long vân" bên trong trang trí hoa lá niên đại thế kỷ thứ XIX.
Nghiên mực sứ men trắng vẽ lam.
Ấm trà đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, trang trí "viên long" được tạo tác dưới thời vua Thiệu Trị.
Bộ tìm dâng nước cúng trang trí "cửu long" chế tác dưới thời vua Minh Mạng.
Tô đồ sứ men trắng vẽ lam, vẽ cảnh chợ chiều trên sông và bài thơ Nôm.
Hiện vật pháp lam thế kỷ XIX - XX được sử dụng tại Việt Nam thông qua hoạt động giao thương.
Các sưu tập hiện vật hội tụ trong dịp này còn đa dạng về chất liệu (pháp lam, vàng, bạc, bạc khảm vàng, ngọc, sứ ký kiểu, gỗ, …), đa dạng về chức năng sử dụng (sinh hoạt, tế tự, trang trí, tiêu khiển,…), phong phú về loại hình và nguồn gốc xuất xứ (đồ sứ ký kiểu và pháp lam dưới thời Nguyễn, các dòng gốm Cây Mai, các hiện vật có niên đại thế kỷ XIX…).
Lê Kông