TTO - Những ngày qua nổ ra cuộc tranh luận về một bản rap lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh do hai thí sinh của chương trình Rap Việt biểu diễn.
Màn trình diễn lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh tại Rap Việt Ảnh: Vie Channel
Việc biến âm nhạc thành những vòng đấu knock-out như thể thao có thể làm đòn bẩy cảm xúc khiến những màn biểu diễn bình thường trở nên hay ho và những màn biểu diễn hay ho trở nên choáng ngợp. Nhưng một khi bước ra khỏi cuộc thi, thứ kích thích ấy biến mất, "bong bóng" danh tiếng lạm phát rồi vỡ tung.
Một bản nhạc nghe cũng được và cũng duyên, bỗng chốc trở thành hiện tượng khi MC rơm rớm gọi đây là "lịch sử" của chương trình, giám khảo người tụng ca, người phản đối chủ đề mà theo anh không còn phù hợp trong đời sống hiện đại. Nhưng, hiện tượng đó sẽ kéo dài bao lâu?
Lần cuối cùng một cuộc thi tìm kiếm tài năng thực sự đóng góp điều gì đó đáng kể cho thị trường âm nhạc là bao giờ?
Có lẽ là vào 5 năm trước, khi Đức Phúc chiến thắng tại Giọng hát Việt. Kể từ đó số lượng cuộc thi tài năng ngày càng nhiều hơn, nhưng số lượng tài năng lại tỉ lệ nghịch. Hiện tượng "sa mạc hóa" nhân tài của các chương trình thi thố không chỉ gói gọn ở Việt Nam.
Đức Phúc nổi lên từ Giọng hát Việt
1. Ở Anh, "truyền thuyết" rằng Simon Cowell và X-factor có thể thay đổi cuộc đời bạn đã nằm lại ở thì quá khứ. Ở Mỹ, đế chế American Idol đã sập từ lâu.
Và Netflix có thể vực dậy sự nghiệp của những minh tinh màn bạc một thời như Winona Ryder hay Adam Sandler nhưng ngay cả nó cũng không vực dậy nổi những chương trình tìm kiếm tài năng.
Vào năm ngoái, Netflix xắn tay thực hiện Rhythm + Flow - cuộc thi lớn đầu tiên về hiphop trên thế giới, mời về những rapper nổi tiếng như Cardi B, Chance The Rapper và T.I. làm giám khảo. Cuộc thi kết thúc và trong số những người bước ra từ đó cũng vẫn chỉ có ba người kia là nổi tiếng.
Không phải những chương trình này không có ai xem. Nếu không, Netflix hẳn không sản xuất mùa 2 của Rhythm + Flow. X-factor mùa thứ 15 ở Anh vẫn có đến vài triệu người theo dõi. King of Rap và Rap Việt đều tạo hiệu ứng truyền thông.
Khán giả dù sao vẫn tò mò trước những cuộc đua tài. Chỉ là, việc biến âm nhạc thành những vòng đấu knock-out như thể thao có thể làm đòn bẩy cảm xúc khiến những màn biểu diễn bình thường trở nên hay ho và những màn biểu diễn hay ho trở nên choáng ngợp.
Nhưng một khi bước ra khỏi cuộc thi, thứ kích thích ấy biến mất, "bong bóng" danh tiếng lạm phát rồi vỡ tung.
R.I.C ghép cặp thi đấu cùng F. (phải) biểu diễn trong tập 7 của Rap Việt - Ảnh: Vie channel
2. Những năm qua, người ta vẫn thắc mắc AnNam band của Ban Nhạc Việt đi đâu mất rồi, Lộn Xộn band của Sing my song giờ trôi dạt phương nào? Họ đều đã từng có những giây phút huy hoàng trên những chương trình thực tế.
Còn nhớ buổi tối chủ nhật khi AnNam band hát Tiếng trống Mê Linh, cả mạng xã hội bùng nổ vì vẻ đẹp sử thi kiêu hùng phun trào trong bản metal dữ dội. Còn đoạn clip Lộn Xộn Band hát Người yêu tôi không có gì để mặc láo nháo đầy hài hước có đến gần 10 triệu lượt xem trên YouTube.
Nhưng tại sao sau đó họ lại chật vật khẳng định mình? Rõ ràng âm nhạc của họ vẫn thế. AnNam band vẫn trung thành với thứ rock lịch sử, Lộn Xộn band vẫn tếu táo như xưa.
Nhưng bối cảnh đã khác và khán giả đã khác. Không còn tính chất ganh đua, không còn gia vị cho những màn trình diễn của họ. Sẽ không ai hâm mộ Real Madrid nếu họ đá bóng một mình.
Lộn Xộn Band trình diễn trong đêm chung kết Sing my song - Ảnh: GIA TIẾN
3. Nói về một ngôi sao từ những cuộc thi ca nhạc trên thế giới, có lẽ không ai qua được Kelly Clarkson - người với sự nghiệp âm nhạc đồ sộ hậu American Idol đã "hợp thức hóa" tính nghiêm túc những cuộc thi ca nhạc.
Nhưng sau cô, hầu như rất ít người có thể lặp lại. Lý giải cho điều đó, Clarkson nói: "Cuộc thi tài năng cho bạn 15 phút. Nó cho bạn lên tivi. Nhưng điều bạn làm sau đó mới quan trọng".
Rốt cuộc, âm nhạc không phải cuộc đấu tay đôi hay tay ba diễn ra vài phút trên màn ảnh. Dù thế giới âm nhạc cả trăm năm qua đã thay đổi quá nhiều, nhưng những gì nhà soạn nhạc Béla Bartók nói, dù khắc nghiệt và thậm chí thô lỗ, vẫn đáng để nghĩ:
"Đua tài là cho ngựa chứ đâu phải cho nghệ sĩ". Và nếu những cuộc thi âm nhạc thất bại trong việc lăngxê những tài năng thì cũng chẳng bất ngờ.
Kelly Clarkson
Lá thư âm nhạc: Ai còn cần những bảng xếp hạng về độ vĩ đại?
TTO - 1. "Sự đúng đắn chính trị đã trở thành thứ tôn giáo bất hạnh trên thế giới này", nghệ sĩ âm nhạc kỳ cựu Nick Cave viết về văn hóa bài trừ (cancel culture) những người nổi tiếng lỡ hành động trái với tiêu chuẩn đạo đức chính trị của đa số.
HIỀN TRANG